Trong năm 2020, Việt Nam đã lựa chọn 36 thực hành nông nghiệp là các mô hình canh tác, sản xuất để giới thiệu trở thành các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến tổng kết năm dự án “Hợp tác Nam - Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” cùng các đối tác Trung Quốc, Lào, Campuchia do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức vào ngày 22/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ về các mục tiêu của dự án, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cho biết: Dự án Hợp tác Nam - Nam do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện cùng các đối tác gồm: Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Quốc gia Lào và Trung tâm Nghiên cứu chính sách Campuchia. Mục tiêu nhằm tạo ra diễn đàn học tập cho các quốc gia dựa trên cách tiếp cận nhất quán với chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH với sự tham gia của các nhóm nông dân quy mô nhỏ, cơ sở chế biến và doanh nghiệp.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án phát biểu tại Hội thảo

Cụ thể, dự án sẽ xác định và lựa chọn các thực hành tốt nhất của chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH, nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan, đồng thời tập hợp thành các sản phẩm tri thức như sách, tờ rơi, áp-phích, video... 

Theo TS. Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Dự án, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động chưa thể triển khai ở các quốc gia. Dù vậy, phía Việt Nam đã khảo sát, đánh giá và lựa chọn ra 36 thực hành tốt tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Tại 3 quốc gia còn lại, đã tiến hành đào tạo về phương pháp xác định và lựa chọn chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH.

Đại diện nhóm tư vấn, ông Nguyễn Quý Bình cho biết, các thực hành được lựa chọn theo tiêu chí: Mô hình hoặc tác nhân tham gia có áp dụng các thực hành sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phối nông lâm thủy sản thích ứng với BĐKH và bền vững về môi trường. Dự án ưu tiên lựa chọn CGT có ít nhất 2 tác nhân liên kết thông qua hình thức hợp đồng; thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ; các tác nhân trong chuỗi giá trị có áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP…